Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay trong giao dịch dân sự với lãi xuất gấp 05 lần trở lên mức lãi xuất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có tính chất chuyên bóc lột, nhằm thu lợi bất chính. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mức lãi xuất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có tính chất chuyên bóc lột nhằm thu lợi bất chính là vi phạm pháp luật, tùy theo tình chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi sau đây:
– Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Với biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là:
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được
- Xử lý hình sự
Điều 201 Bộ luật hình sự số năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định trên, một người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên, khi cho người khác vay tiền thông qua các hình thức như vay, mượn, ký nợ thông qua hợp đồng bằng văn bản, hoặc thỏa thuận miệng, với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên (100%/ số tiền vay/năm) mức lãi xuất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự, có tính chất chuyên bóc lột nhằm thu lợi bất chính; thủ đoạn là lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần một số tiền gấp để phục vụ sinh hoạt, khám, chữa bệnh…được coi là có hành vi phạm tội cho vay lãi nặng.
Tội phạm được hoàn thành tại thời điểm người phạm tội thu lợi bất chính số tiền từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng, nhưng người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng mà chưa được xóa án tích./.”
Một số trường hợp cụ thể được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.”
Trên đây là tổng hợp một số quy định của pháp luật về xử phạt hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của ANSGLAW.