Giấy vay nợ – Giấy nhận nợ (hay còn được gọi là Biên bản thỏa thuận xác nhận nợ) là loại giấy tờ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Giấy tờ này ghi nhận sự thỏa thuận về việc cho vay nợ giữa bên cho vay và bên vay. Tuy nhiên, hiện nay không ít những trường hợp có tranh chấp phát sinh dựa trên loại giấy này, về việc có hay không có việc vay nợ, ép ký giấy vay với số tiền thực mượn thấp hơn giá trị ghi trên giấy nợ,…
Vậy, khi bị ép ký giấy vay nợ số tiền cao hơn thực tế, thì người vay có phải trả khoản tiền đó không? Người ép buộc người khác ký giấy vay nợ, đe doạ dùng bạo lực đối với người đi vay có bị xử lý hay không? Cùng ANSGLAW tìm hiểu về vấn đề này:
1. Người bị ép ký giấy vay nợ có phải trả tiền không?
Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi đảm bảo đủ các điều kiện sau:
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, trong giao dịch cho vay tiền, điều quan trọng là các bên phải hoàn toàn tự nguyện, không có sự cưỡng ép. Trường hợp một bên bị ép buộc phải ký giấy vay nợ, với số tiền thấp hơn, bằng, hoặc lớn hơn số tiền thực tế vay thì giao dịch đó cũng bị vô hiệu.
Việc giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép được quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị cưỡng ép thì người bị ép ký giấy vay nợ không phải trả số tiền đó.
2. Người ép người khác ký giấy vay nợ khống có bị xử phạt không?
Nếu người cho vay thường đe doạ, dùng vũ lực, đe doạ tinh thần, dùng vũ lực để ép người đi vay ký vào giấy vay một khoản tiền không đúng với số tiền thực tế vay, sau đó sử dụng làm căn cứ để uy hiếp, đe dọa đòi nợ, lấy lãi được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của người này có thể bị cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp bịa đặt vu khống người khác vay mượn tiền không trả bằng nhiều hình thức, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người đó, còn có thể xem xét về Tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015, Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015.
Tuy nhiên, nếu mức độ hành vi vi phạm chưa đủ để cấu thành hành vi phạm tội theo Bộ luật hình sự, thì người ép người khác ký vào giấy vay tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo căn cứ tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
..
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
…
Như vậy, khi bị ép ký giấy vay tiền, người bị ép có quyền không trả khoản tiền khống mà mình thực tế không vay. Tuy nhiên, để chứng minh việc bị ép ký giấy vay nợ, người bị hại nên thu thập chứng cứ chứng minh rằng mình bị ép ký, để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tối ưu, nhằm tránh trường hợp bên cho vay không thừa nhận hành vi của mình:
- Lời khai của người chứng kiến: Nếu có người chứng kiến việc ép ký giấy vay nợ, thì lời khai của họ sẽ là một bằng chứng quan trọng.
- Các tin nhắn, ghi âm, hình ảnh liên quan đến việc ép ký giấy vay nợ: Các tài liệu này có thể giúp chứng minh việc người bị hại bị đe dọa, cưỡng ép..
Trên đây là giải đáp của ANSGLAW về vấn đề Bị ép ký giấy vay nợ, có phải trả tiền? Nếu còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, liên hệ Luật sư ANSG để được hỗ trợ tốt nhất.