Thế nào là tự thú? Tự thú và đầu thú giống hay khác nhau? Tự thú được giảm nhẹ hình phạt như thế nào? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này? Cùng ANSGLAW tìm hiểu về tình tiết này trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nhé!
Theo quy định tại điểm h, điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) giải thích thuật ngữ “Tự thú” và “Đầu thú” như sau:
h) Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.i) Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
Tự thú và đầu thú là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng không ít trường hợp có sự nhầm lẫn khi nhắc đến hai thuât ngữ này. Phân biệt hai thuật ngữ này thông qua bảng so sánh sau:
Theo quy định của pháp luật hình sự, “Tự thú” là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, còn “đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ được quy định khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (với mức độ giảm nhẹ ít hơn).
Đối với tình tiết giảm nhẹ này, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 có hướng dẫn tại tiểu mục 7 mục I về giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ như sau:
7. Phân biệt việc áp dụng tình Tiết giảm nhẹ trong trường hợp “tự thú” và trong trường hợp “đầu thú” như thế nào?
– “Tự thú” là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.
– “Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.Tuy nhiên, theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2-6-1990 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú”, thì các trường hợp này đều được coi là tự thú. Tuy hướng dẫn các trường hợp này đều được coi là tự thú để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào áp dụng Khoản 1, trong trường hợp nào áp dụng Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985. Để áp dụng đúng và thống nhất tình Tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp trên đây, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể như sau:
– Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình Tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
– Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cũng cần chú ý là, trong trường hợp này, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình Tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình Tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Như vậy, điểm khác nhau dễ phân biệt nhất giữa hai tình tiết này là đã bị phát hiện hành vi phạm tội hay chưa. Nếu người đó tự nguyện khai báo khi chưa bị phát hiện ra hành vi phạm tội, thì đây được xem là “tự thú”. Còn nếu người đó khai báo khi hành vi phạm tội đã bị phát hiện và biết rằng không thể trốn tránh, nên đi khai báo với cơ quan có thẩm quyền để được nhận sự “khoan hồng” thì đây được xem là “đầu thú”.
Qua bài viết này, bạn đã phân biệt được thế nào là “tự thú” và “đầu thú” chưa? Hãy theo dõi ANSGLAW tìm hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích nhé!