Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Toà án xét thấy cần phải huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền được giải quyết như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
- Khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Khoản 1 Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015
- Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015
- Điều 7, mục IV Công văn số 01/TANDTC-PC ngày 02/8/2021
Việc xác định quyền sử dụng đất là cơ sở để các chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất đai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất, có thể xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể. Trong trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự này, có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dựng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào?
Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao tại Công văn số 196/TANDTC-PC thì:
Khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Thẩm quyền của cấp Toà án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc huỷ quyết định cá biệt hay quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án nhân dân cấp tỉnh”
Khoản 1 Điều 31 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Toà án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện”
Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 205 quy định Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án”.
Điểm 7, mục IV Công văn số 01/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn:
“…Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.
Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh”
Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Toà án xét thấy cần phải huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Toá án nhân dân cấp tỉnh.
Việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rất quan trọng. Điều này đảm bảo quyền lợi của các đương sự và giúp cho quá trình giải quyết vụ án được tiến hành nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.