Hiện nay có rất nhiều vụ án dân sự trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết thì phát sinh đơn tố giác tội phạm hoặc trường hợp Tòa án phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đến Cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định.
Sau khi chuyển đến Cơ quan điều tra, Tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết đối với vụ án dân sự với lý do “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trường hợp Cơ quan điều tra xác định không có dấu hiệu tội phạm thì không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với trường hợp Cơ quan điều tra trả lời về việc tin báo tội phạm (hoặc đơn tố giác tội phạm) không có dấu hiệu phạm tội và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự, thì Tòa án phải chờ cho đến khi vụ án hình sự được giải quyết xong thì mới có thể tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
1. Thực tiễn áp dụng pháp luật
Ngày 09/5/2019, Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y thụ lý giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng A và ông B. Quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ, tài sản ông B đã thế chấp do một người tên C quản lý, sử dụng. Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ xác định ông C là người sử dụng đất từ trước cho đến nay, tài sản gắn liền với đất của của ông C và ông C chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, ngày 10/10/2019, Tòa án đã chuyển tin báo tội phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X để làm rõ hành vi của ông B và ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do là chờ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X giải quyết tin báo tội phạm.
Đến ngày 15/3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông B về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an điều tra xác định Ngân hàng A là bị hại và Ngân hàng có yêu cầu ông B phải trả tiền gốc, tiền lãi (tương tự như đối với yêu cầu khởi kiện mà Tòa án đã thụ lý trong vụ án hình sự). Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã có nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nên vụ án hình sự vẫn chưa giải quyết xong và Tòa án vẫn đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả giải quyết của vụ án dân sự.
Theo đó, yêu cầu của Ngân hàng về việc buộc ông B phải trả tiền gốc, tiền lãi được hai cơ quan là Tòa án và Cơ quan cảnh sát điều tra cùng thụ lý, giải quyết trong cả vụ án dân sự và vụ án hình sự, đồng thời thời hạn giải quyết vụ án hình sự kéo dài dẫn đến việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cũng kéo dài theo, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án dân sự, mặt khác còn làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua của Tòa án. Vậy câu hỏi đặt ra là có thể nhập vụ án dân sự vào vụ án hình sự để cùng giải quyết vụ án một cách triệt để nhất không?
Khoản 1 Điều 170 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.”.
Khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“1. Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.”.
Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”
Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:
“1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.
Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.”.
Như vậy, ngoài quy định về việc nếu trong một vụ án hình sự có giải quyết về vấn đề dân sự (bồi thường thiệt hại, bồi hoàn) mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, còn lại luật chỉ quy định về việc nhập hoặc tách vụ án khi cùng một loại án. Và hiện nay chưa có một quy định nào về việc nhập vụ án dân sự vào vụ án hình sự để cùng giải quyết trong một vụ án.
2. Kiến nghị:
Theo tác giả
, cần quy định thêm vào Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc việc nhập vụ án dân sự vào vụ án hình sự để giải quyết chung trong vụ án hình sự trong trường hợp quá trình Tòa án đang thụ lý giải quyết các vụ án dân sự mà Tòa án chuyển tin báo tội phạm hoặc tin tố giác tội phạm sang cơ quan điều tra, nếu trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì Tòa án có thể xem xét nhập vụ án dân sự đang giải quyết vào vụ án hình sự để cùng giải quyết chung trong vụ án hình sự nếu như đảm bảo các điều kiện sau:– Thứ nhất, vụ án hình sự bị khởi tố phải được xuất phát từ việc Tòa án chuyển tin báo tội phạm hoặc tin tố giác tội phạm trong cùng một vụ án dân sự.
– Thứ hai, trong phần dân sự của vụ án hình sự, đương sự cùng yêu cầu giải quyết như trong vụ án dân sự.
– Thứ ba, việc giải quyết trong cùng một vụ án là đảm bảo nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.
Theo