+ Hỏi: Khi vay vốn ngân hàng, nhân viên ngân hàng thường tư vấn khách hàng mua bảo hiểm khoản vay kèm theo gói vay. Một số trường hợp còn nói đây là quy định của pháp luật, nếu không mua sẽ không đủ điều kiện xét duyệt khoản vay. Vậy thực chất bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc phải mua không?
+ Trả lời:
1. Bảo hiểm khoản vay là gì?
Bảo hiểm khoản vay (hay còn gọi là bảo hiểm tín dụng) là hình thức bảo hiểm được ra đời nhằm mục đích bảo đảm khả năng thanh toán cho khoản vay trong trường hợp người vay mất khả năng thanh toán.
Khi bên đi vay mất tích, tai nạn, bị thương tật vĩnh viễn khiến bản thân mất đi khả năng tạo ra thu nhập để trả nợ, nghĩa vụ trả nợ thì lúc này công ty bảo hiểm sẽ thay mặt khách hàng hoặc người thân của khách hàng thanh toán khoản dư nợ còn lại cho ngân hàng.
Các ngân hàng thường khuyến nghị khách hàng mua bảo hiểm khoản vay cho tất cả các hợp đồng tín dụng, đặc biệt là các khoản vay tín chấp như vay tiêu dùng, chẳng hạn như vay mua nhà với số tiền vay cao và thời gian dài. Đối với một số ngân hàng, việc mua bảo hiểm khoản vay thậm chí còn là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt hồ sơ vay nhanh chóng cho khách hàng.
2. Có buộc phải mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng?
Không có quy định của pháp luật bắt buộc người vay phải mua bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Việc mua hay không mua bảo hiểm khoản vay phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên một cách tự nguyện.
Các ngân hàng thường khuyến khích người vay mua bảo hiểm. Phần lớn là để hạn chế rủi ro khi người vay mất khả năng thanh toán. Nói cách khác nó chỉ là hình thức đảm bảo lợi ích đôi bên khi tiến hành vay vốn. Việc mua bảo hiểm không phải điều kiện bắt buộc khi ngân hàng xét duyệt khoản vay.
Hiện nay, lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm đang là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng và nhân viên của họ. Doanh số bán bảo hiểm cũng là 1 phần chỉ tiêu bắt buộc cho nhân viên ngân hàng. Do đó, khi khách vay tiền, mặc nhiên nhân viên ngân hàng sẽ chào mời khách mua bảo hiểm.
Trên thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng cũng không giải thích rõ ràng với khách hàng về lợi ích của các sản phẩm bảo hiểm kèm theo khoản vay, mà chỉ nói úp mở về việc đây là khoản bảo hiểm quan trọng để được duyệt nhanh hồ sơ. Nhiều khách hàng vì kinh nghiệm và kiến thức đi vay còn hạn chế, sau khi mua bảo hiểm với giá không nhỏ, việc nhận ra sự không cần thiết đối với loại bảo hiểm này đã gây ra tâm lý khó hiểu, bức xúc cho khách hàng.
Việc chọn mua bảo hiểm tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của người đi vay. Sử dụng bảo hiểm sẽ giúp người vay tránh khỏi những rắc rối khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên chi phí mua bảo hiểm là không nhỏ nên người đi vay cần cân nhắc kỹ càng.
3. Mức phí bảo hiểm khoản vay là bao nhiêu?
Tùy từng ngân hàng và khoản tiền theo nhu cầu vay của khách hàng mà mức phí bảo hiểm khoản vay sẽ là khác nhau. Cụ thể, cách tính bảo hiểm khoản vay như sau:
Thông thường mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên khoản vay được ngân hàng hoặc tổ chức giải ngân, dao động từ 3 – 6% tùy từng ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Ví dụ: Một khách hàng vay 300 triệu tại ngân hàng với mức bảo hiểm khoản vay 4% thì bảo hiểm tiền vay được xác định như sau:
300 triệu đồng x 4% = 12 triệu đồng
Tiền phí bảo hiểm khoản vay sẽ được ngân hàng trừ trực tiếp vào khoản vay khi giải ngân hoặc sẽ được cộng thêm vào số nợ gốc.
4. Ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn có bị phạt?
Mặc dù không có điều khoản nào trong hợp đồng vay giữa ngân hàng và khách có nội dung bắt buộc mua bảo hiểm song thực tế ở nhiều ngân hàng, việc tự nguyện mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức. Nếu không mua gói bảo hiểm khoản vay thì hồ sơ vay sẽ được phân nhóm “chờ” xét duyệt và giải ngân chậm gói vay đó.
Vì vậy, để được giải ngân nhanh, nhiều khách hàng đành phải tham gia gói bảo hiểm khoản vay một cách không tự nguyện.
Việc buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do đó, nếu cố tình vi phạm, ngân hàng có thể bị phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Như vậy, nếu ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, ngân hàng có thể bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng.