Tôi cho bạn vay 50 triệu đồng và quá hạn nhưng bạn không trả, lại còn tuyên bố tôi vu khống.
Trong lúc dịch bệnh, do tình hình kinh tế khó khăn, bạn có hỏi vay tôi 50 triệu đồng. Vì là bạn bè, giao dịch chỉ thông qua lời nói, không lập hợp đồng, không có người chứng kiến. Tôi cho vay không lấy lãi suất, chỉ cần khao chầu nhậu và bạn cũng bạn hẹn sau 1 năm sẽ trả cho tôi. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm, tôi nhiều lần hỏi về vấn đề trả nợ, bạn tôi luôn né tránh và đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Khi tôi nói sẽ tố cáo hành vi của bạn, thì bạn nói rằng chưa hề vay tôi, đưa giấy vay nợ ra đây, cho rằng tôi vu khống và đòi tố cáo ngược lại tôi. Vì không bằng chứng cũng không có người làm chứng, tôi không biết phải làm sao để lấy lại được khoản tiền này.
Hỏi: Vậy tôi có thể đòi lại được khoản tiền tôi đã cho bạn mượn hay không? Có thật sự là phải có giấy vay nợ thì mới lấy lại được khoản tiền đó hay không? Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi.
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Khoản 1 điều 119 quy định giao dịch dân sự không yêu cầu bắt buộc phải thể hiện dưới dạng văn bản:
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Căn cứ các quy định nêu trên, giao dịch vay tài sản không bắt buộc phải lập thành văn bản.Theo đó hợp đồng vay tiền, tài sản được công nhận cả ở ba hình thức là bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, việc bạn cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý trên thực tế. Hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Nếu trong trường hợp này nếu người vay không trả tiền, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay.
Vì bạn của bạn cho rằng mình không vay tiền nên bạn phải chứng minh với tòa án là có việc cho vay xảy ra. Để chứng minh được việc cho vay thì bạn phải thu thập các chứng cứ như bản ghi âm lại lời nói hay có sự hứa hẹn người vay thông qua email, tin nhắn điện thoại hoặc các phương tiện điện tử khác… Tất cả những điều này đều có là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết bảo vệ quyền lợi của bạn, giúp bạn lấy lại được khoản tiền đã cho vay.
Tuy nhiên, bạn lần lưu ý rằng, chỉ nên đòi, thu thập bằng chứng thông qua thỏa thuận, không được sử dụng vũ lực, đe dọa hay bắt giữ trái pháp luật. Nếu thực hiện các hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác để đòi nợ, rất có thể bạn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
—
Trong trường hợp bạn của bạn có khả năng trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác người này về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự:
Điều 30. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Trên đây là tư vấn của ANSGLAW về vấn đề Cho vay tiền qua lời nói, giao dịch có hợp pháp không? Có đòi lại được không? Hy vọng sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề. Nếu còn vấn đề cần giải đáp, liên hệ Luật sư ANSG để được hỗ trợ tốt nhất.