Quyền được chỉ định Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 như sau:
Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thuộc đối tượng đặc biệt, nên ngoài quy định chung, BLTTHS năm 2015 dành riêng chương XXVIII để quy định các thủ tục tố tụng cho đối tượng này. Vấn đề chỉ định NBC một lần nữa được nhắc lại tại khoản 3 Điều 422 BLTTHS năm 2015:
Ðiều 422. Bào chữa
1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTPBLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi một lần nữa cụ thể hóa quyền được có NBC của bị cáo là người dưới 18 tuổi:
“Điều 10. Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng; trường hợp những người này không mời thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết như sau: a) Chỉ định người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Sự tham gia bắt buộc của Người bào chữa trong vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, sự chỉ định từ phía các cơ quan, người THTT là cơ sở pháp lý đầu tiên để NBC tham gia vào vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Đối với trường hợp này, cơ quan, người THTT có nghĩa vụ yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Đoàn Luật sư hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) cử NBC để bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo.
Thứ hai, cơ sở pháp lý tiếp theo để NBC tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự là căn cứ vào quyết định phân công của cơ quan quản lý có thẩm quyền (Đoàn Luật sư hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Ủy ban Mặt trận tổ quốc). Đối với trường hợp chỉ định NBC, sự tham gia của NBC trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí chủ quan hay sự thỏa thuận giữa bị cáo và NBC.
Thứ ba, sau khi cơ quan có thẩm quyền chỉ định NBC cho bị cáo là người dưới 18 tuổi, bị cáo vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối NBC được chỉ định cho họ. Tuy nhiên quyền này không có tính tuyệt đối. Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 BLTTHS năm 2015, trong trường hợp chỉ có bị cáo dưới 18 tuổi từ chối NBC còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử với sự tham gia của NBC đã được cử.
Quy định này nhằm bảo đảm lợi ích của chính các bị cáo là người dưới 18 tuổi, đồng thời nó thể hiện sự tiến bộ của pháp luật. Thông thường quyền bào chữa là quyền của bị cáo, họ có quyền quyết định, lựa chọn NBC tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các cơ quan THTT có nghĩa vụ tôn trọng quyết định đó của bị cáo. Nhưng trong các trường hợp quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015 thì quyền quyết định của các chủ thể này không có tính tuyệt đối. Sở dĩ, pháp luật hạn chế quyền của bị cáo trong trường hợp này để bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của bị cáo. Bị cáo là người dưới 18 tuổi là những người còn nhiều hạn chế về hiểu biết pháp luật cũng như kiến thức xã hội do đó họ có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền bào chữa của mình nên cần có sự can thiệp từ phía các cơ quan, người THTT.
Thứ tư, về chi phí cho NBC, đối với trường hợp chỉ định NBC đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi nói riêng và đối với các trường hợp thuộc Điều 76 BLTTHS năm 2015 nói chung thì Nhà nước sẽ chịu hoàn toàn chi phí.
Trong vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi, nếu bị cáo, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời NBC thì cơ quan, người THTT phải chỉ định NBC cho bị cáo, đây là nghĩa vụ thuộc về họ. Do đó, nếu vì lý do gì đó mà bị cáo là người dưới 18 tuổi và người đại diện hợp pháp của họ từ chối NBC thì hoàn toàn có thể hiểu được. Trên thực tế, đa số các bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo đều chấp nhận sự chỉ định bào chữa từ phía cơ quan, người THTT, song vẫn có trường hợp họ từ chối sự trợ giúp pháp lý của luật sư. Nguyên nhân là do họ không được các cơ quan THTT giải thích về quyền bào chữa nên họ không hiểu biết về chế độ thù lao cho luật sư hay những trường hợp giúp đỡ mà không phải trả tiền. Như vậy, có thể hiểu vai trò của các cơ quan, người THTT rất quan trọng. Trong trường hợp này, cơ quan, người THTT cần giải thích cho bị cáo là người dưới 18 tuổi và người đại diện hợp pháp của họ biết rõ về quyền của họ trong tố tụng hình sự, đặc biệt là vai trò của NBC trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Sự tham gia bắt buộc của NBC hay quyền được có NBC đối với đối tượng là bị cáo là người dưới 18 tuổi trong TTHS là quy định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nước ta. Quy định của pháp luật TTHS về sự tham gia của NBC vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bị cáo là người dưới 18 tuổi là một đảm bảo pháp lý chắc chắn cho quyền bào chữa của họ.
Kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003, pháp điển hóa các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
BLTTHS năm 2015 quy định nhiều nội dung mới về thủ tục xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi theo hướng cụ thể hóa, bảo đảm phù hợp với người dưới 18 tuổi và thống nhất với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Quy định này xuất phát từ mục đích, yêu cầu giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời bảo đảm phù hợp với BLHS năm 2015 và luật pháp quốc tế, hạn chế tối đa việc xử lý hình sự, việc áp dụng hình phạt không cần thiết và tăng cường vai trò của gia đình và cộng đồng xã hội.
Nguồn tham khảo: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (https://lsvn.vn/bao-dam-quyen-duoc-chi-dinh-nguoi-bao-chua-cua-bi-cao-la-nguoi-duoi-18-tuoi-theo-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015-1696176147.html)